Một thị trường tiềm năng luôn ẩn chứa rất nhiều mối lo từ cốt lỗi đến những yếu tố phụ trợ bên ngoài mà người ta hay nói là thiên thời địa lợi nhân hòa. Nắm rõ được từng yếu tố sẽ là cách vững chắc nhất để bạn xoay chuyển được trong những cơn lốc thách thức.
Một công trình điều tra thị trường do E-CommerceNet.com tiến hành trên cơ sở 1000 phiếu điều tra, trong đó 80% từ các nước châu Á đã rút ra 10 yếu tố cơ bản hạn chế doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử là:
· Vấn đề an ninh và mã hoá
· Độ tin cậy thấp và rủi ro lớn trong giao dịch thương mại điện tử
· Thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ kinh doanh và tin học cần thiết
· Thiếu mô hình kinh doanh thương mại điện tử phù hợp cho từng quốc gia có mức độ phát triển mạng Internet
· Trở ngại văn hoá trong phát triển thương mại điện tử
· Đối tượng tham gia thương mại điện tử giới hạn trong nhóm người thuộc tầng lớp trí thức và thu nhập cao
· Thương mại điện tử đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cơ cấu tổ chức và quản lý của doanh nghiệp
· Rủi ro xuất phát từ gian lận thương mại, nguy cơ hàng giả rất cao trong thương mại điện tử
· Tốc độ kết nối mạng Internet ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam rất chậm
· Các vấn đề luật pháp
Thách thức đối với quá trình marketing trên nền tảng thương mại điện tử
Mặc dù mang lại những lợi ích kinh tế lớn, thương mại điện tử cũng đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với người làm marketing, đặc biệt trên thị trường quốc tế.
Khó khăn trong xây dựng nhãn hiệu toàn cầu
Câu hỏi đặt ra đối với nhà marketing quốc tế là nên xây dựng một nhãn hiệu toàn cầu hay xây dựng nhãn hiệu khác nhau phù hợp với văn hoá từng địa phương? Nên xây dựng các trang web với hình thức và nội dung căn bản giống nhau hay có thay đổi ở từng quốc gia? Có nên đăng ký địa chỉ trang web khác nhau ở các quốc gia khác nhau hay không? P&G đã sử dụng tới 134 địa chỉ trang web khác nhau ở các quốc gia khác nhau nhằm giới thiệu các sản phẩm đa dạng của P&G.
Thương mại điện tử tạo lực lượng cạnh tranh mới
Với chi phí marketing không cao, hiệu quả kinh tế có thể xác định rõ, thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp mài giũa các công cụ cạnh tranh như giá, quảng cáo và các thông tin marketing khác ngày càng sắc bén và hiệu quả hơn. Nhưng cũng chính tiện ích của thương mại điện tử lại gây ra nhiều lực lượng cạnh tranh đối với một sản phẩm từ nhiều phía.
Hiệu quả ngược của marketing với hệ thống thương mại điện tử
Quảng cáo điện tử có thể gây ra những hiệu quả marketing ngược khi quảng cáo ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của từng cá nhân tiêu dùng. Tâm lý chán ghét và không tin vào quảng cáo đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Người tiêu dùng cảm thấy luôn bị theo dõi mọi hành vi mua hàng và trong cuộc sống, quảng cáo xuất hiện mọi nơi mọi lúc. Bởi vậy, nhà marketing cần thiết phải sử dụng thương mại điện tử thông qua các công cụ marketing có sự cho phép của người nhận thông tin, nhằm hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực của marketing điện tử.
Quả thật, thương mại điện tử luôn là một giải pháp kinh doanh hữu hiệu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải hướng tới trong tương lai. Và để thương mại điện tử thật sự phát huy hết ưu thế trong các hoạt động marketing và kinh doanh, các doanh nghiệp cần chủ động đề ra những chiến lược thích hợp để vượt qua những thách thức khó khăn của thương mại điện tử.
Theo BwPortal