Tham gia một cuộc chơi thì phải theo luật của cuộc chơi đó, đó đã gần như trở thành triết lý để tồn tại trong mỗi một hoàn cảnh. Với thị trường thương mại điện tử cũng vậy, luôn có những quy tắc luật lệ mà chúng ta cần tuân thủ, có luật cứng – luật hiện rõ, có những bộ luật ngầm mà người trong ngành tự ngẫm.
Trước hết ta cần nắm phần cứng, phần nền trước. Thật không may nếu vô tình một ngày đẹp trời, tài khoản của chúng ta bị thông báo phải khóa hoặc phải tạm ngưng 3 tháng vì một lỗi nhỏ. Đó là không đọc trước luật.
Hai chương quan trọng trong nghị định 52 mà những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần quan tâm là chương 3(hoạt động thương mại điện tử), chương 5.
– Về định nghĩa website Thương mại điện tử: là việc tiến hành một khâu hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng intrnet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Như vậy, các website có một hoặc một phần hoạt động liên quan đến thương mại điều thuộc phạm vi hiệu lực của nghị định này.
– Trả lời câu hỏi Facebook.com có phải là đối tượng của nghị định này hay không? Chị Hạnh cho biết, FaceBook không phải đối tượng áp dụng của nghị định này do chưa có văn phòng đại diện tại VN.
– Đối với các website bán hàng, đối tượng chủ website cần nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các điều từ 27 đến 34 trong nghị định (download file nghị định 52 đính kèm)
– Đối với các site cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, doanh nghiệp cần lưu ý và thực hiện tốt các điều từ 35 đến 51 trong nghị định.
Thông tư số 12 quy định chi tiết các quy định hướng dẫn đăng ký, do đó các doanh nghiệp cần:
Đọc kỹ Hướng dẫn quy trình đăng ký và thông báo để biết cách đăng ký và thông báo, thời gian nhận phản hồi.
- Với website bán hàng: cần thông báo.
- Với website cung cấp dịch vụ TMĐT: cần đăng ký.
- Trả lời câu hỏi về thủ tục và thời gian phản hồi, chị Hạnh cho biết:
- Mở tài khoản (Đăng ký đúng) tài khoản cá nhân hoặc doanh nghiệp: 3 ngày.
- Thông báo hoặc đăng ký website: 7 ngày
- Nhận phản hồi xác nhận đăng ký: 5 ngày.
Mộ số dạng câu hỏi thường gặp của các Chủ Doanh nghiệp khi tham gia thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian vừa qua:
1. Em đang có một website bán hướng dẫn, tài khoản đọc bài trên mạng có cần thông báo hay không, cần những thủ tục pháp lý nào?
Trong trường hợp này bạn đang cung cấp dịch vụ và có phát sinh hoạt động thương mại vậy em vẫn cần thực hiện đầy đủ việc đăng ký.
2. Sàn giao dịch, có subdomain cho phép khách hàng tạo website bán hàng, các subdomain đó có cần đăng ký hay không?
Không! Nếu domain chính đã đăng ký.
3. Nếu tôi không có website, nhưng tôi có gian hàng thì như thế nào? Kinh doanh trên FaceBook ra sao?
Bạn có gian hàng, bạn ko cần phải làm gì cả. Bạn chỉ cần minh bạch hóa thông tin trên gian hàng và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đến việc kinh doanh. Đối với FaceBook không thuộc phạm vi đối tượng của nghị định nên bạn không cần phải lo lắng, dĩ nhiên bạn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật có liên quan dù kinh doanh trên FaceBook hay bất kỳ sàn giao dịch thương mại điện tử nào.
4. Tự viết nội dung vào website của công ty, bị người khác sao chép làm sao phạt người khác.
Theo nghị định 72, bất kỳ một trang web cá nhân không được sản xuất tin nếu không liên quan đến mình. Về mặt quản lý thông tin, bạn ko được phép làm chuyện đó. Về quyền tác giả, bạn có quyền khiếu kiện nếu chứng minh được bản quyền của mình, tuy nhiên đứng ở góc độ xử lý sẽ thiên về xử lý theo luật dân sự hơn.
5. Một công ty du lịch sao chép tour của một công ty du lịch khác có bị xem là vi phạm không vì về nguyên tắc họ không có quyền xuất bản thông tin.
Tour là một sản phẩm và công ty có quyền giới thiệu về sản phẩm của mình.
6. Đăng ký và thông báo có khác nhau nhiều không ?
Đăng ký là đối với các website cung cấp dịch vụ TMĐT, còn thông báo đối với website bán hàng.
7. Cho biết thủ tục đăng ký thông tin quảng cáo trên thông tin điện tử.
Theo thông tin của sở thông tin truyền thông, hiện nay vấn đề đăng ký quảng cáo trên trang thông tin điện tử chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong thời gian chưa có hướng dẫn cụ thể, chị có thể liên hệ cơ quan chủ quản(Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) để được hướng dẫn cụ thể hơn.
8. Tôi có một website cho phép các khách sạn đăng các thông tin giảm giá ví dụ như ở 5 ngày trả tiền 3 ngày. Như vậy có vi phạm hay không.
Theo thông tin chính thức, luật quảng cáo cho phép bạn thực hiện các chương trình quảng cáo dưới 50% giá trị hàng hóa. Nếu nằm trong khoảng này bạn không vi phạm.
9. Những trường hợp sao chép website, cả giao diện và thông tin có bị xử lý hay không?
Trong trường hợp này sẽ xử theo pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Lưu ý: trường hợp này cục quản lý cạnh tranh sẽ xử lý.
10. Website thương mại điện tử hoạt động không thông báo sẽ xử lý như thế nào?
Trung tâm internet VN có dữ liệu liên quan đến các website đang hoạt động trong phạm vi HCM, chúng tôi sẽ tiến hành sắp xếp xử lý theo ranking (các website lớn trước) để chuyển đến thanh tra quản lý thị trường ở 24 quận huyện trong thành phố để xử lý đồng thời.
11. Tên miền đăng ký với tư cách cá nhân thì đăng ký theo thông tin cá nhân hay chủ thể công ty.
Cá nhân có quyền thông báo, việc đăng ký chỉ dành cho doanh nghiệp. Chúng tôi không quan tâm đến việc ai là chủ sở hữu tên miền mà quan tâm đến thông tin cá nhân hay doanh nghiệp đang kinh doanh trên tên miền này.
12. Cá nhân không có mã số thuế, không thể thông báo phải làm sao.
Lời khuyên cho bạn là nên làm mã số thuế cá nhân.
13. Vì mua bán giá cả chênh lệch hàn ngày, có thể không để giá trên website được không.
Việc cập nhật giá cả hàng hóa là trách nhiệm của doanh nghiệp và bạn bắt buộc phải thực hiện việc minh bạch giá cả.
14. Sản phẩm của công ty đưa mức giá 0 đồng có vi phạm không.
Bạn không bị bắt buộc phải đưa giá chính xác về sản phẩm, nếu bạn ko chắc chắn về mức giá sản phẩm bạn có thể để giá liên hệ. Không nên để giá 0 đồng – điều này có nghĩa là bạn đồng ý bán sản phẩm đó với mức giá 0 đồng.
15. Thủ tục đăng ký giấy phép ICP.
Bạn có thể tham khảo website của Sở thông tin truyền thông (61 – Lý Tự Trọng).
16. Blog chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, tự sản xuất thông tin có phải đăg ký giấy phép ICP hay không?
Không! Bạn có quyền chia sẻ kinh nghiệm của bạn và bạn lưu ý là không sinh lợi nhuận, nếu không blog của bạn sẽ được xem là website thương mại điện tử và bạn phải chấp hành theo nghị định 52.
17. Chúng tôi có một sàn giao dịch TMĐT, có thành viên mua bán hàng giả trên sàn. Chúng tôi có vi phạm hay không?
Sàn của bạn có liên đới, còn tùy trường hợp cụ thể mới có thể xác định có vi phạm hay không như quy định với thành viên, trách nhiệm của thành viên …
18. Website giới thiệu sản phẩm mà không bán thì có vi phạm hay không ? Website ở Bình Dương thì đăng ký ở đâu?
Website của bạn có tham gia một phần vào quá trình thương mại (giới thiệu sản phẩm), do đó bạn phải đăng ký. Bạn chỉ cần thông báo. Bạn có thể thông báo trực tuyến thông qua website http://online.gov.vn mà không cần đi đâu cả.
19. Website không còn hoạt động thì có phải thông báo hay không?
Có! Bạn cần thông báo về việc chấm dứt hoạt động của mình trên http://online.gov.vn
20. Có thể để tài khoản cá nhân trên trang thông tin thanh toán của doanh nghiệp hay không.
Có! Tài khoản cá nhân hay doanh nghiệp là tùy bạn, miễn sao tiện cho khách hàng của bạn.
21. Website giới thiệu dịch vụ có phải website thương mại điện tử hay không
Có.
22. Website muahangmy.xxx cung cấp dịch vụ mua hàng hộ từ Amazon có phải đăng ký hay không
Theo nghị định 52, phải kiểm tra xem có phải đối tượng áp dụng của nghị định 52 hay không mới có thể xác định được việc phải đăng ký hay thông báo.
23. Không làm dịch vụ bán hàng, làm 1 trang đánh giá sản phẩm có phải đăng ký hay không?
Trường hợp này là website thôn tin, đây là website được quy định tại nghị định 72. Webste không có hoạt động thương mại thì không liên quan.
24. Tất cả các website công ty đều phải đăng ký, đúng hay sai?
Nếu website công ty có đăng thông tin về sản phẩm, dịch vụ thì đều phải đăng ký hoặc thông báo.
25. Việc xử lý vi phạm thương mại điện tử được quy định như thế nào.
Việc xử lý vi phạm được quy định cụ thể trong nghị định 185.
26. Xin cho biết thêm về việc người bán hàng trên FaceBook có thể bị phạt 40-60 triệu mà các báo chí đã đăng.
Mức xử phạt 40-60 triệu đồng là áp dụng cho các chủ sàn giao dịch, mạng xã hội có phát sinh hoạt động thương mại điện tử trên sàn hoặc mạng xã hội nhưng không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương.Do một số bài báo giật tít sai nhằm câu view đã gây hoang mang dư luận, đối tượng chịu hình thức chế tài không phải là người bán hàng.