Thương mại điện tử (TMĐT) là bước phát triển mới của thương mại thế giới, đem lại lợi ích to lớn cho nhân loại. Tuy nhiên cho dù phát triển đến đâu cũng không thể thay toàn bộ hoạt động thương mại truyền thống, mà nó sẽ chiếm lĩnh ngày càng nhiều công đoạn trong đó, giúp cho việc kinh doanh hiệu quả hơn.
Có một số nhầm lẫn thường gặp, do chưa có tiếp cận đầy đủ với TMĐT như sau:
Áp dụng TMĐT là phải bao gồm toàn bộ các quá trình từ chào hàng đến đàm phán, ký hợp đồng, giao hàng, thanh toán qua mạng.
– Khi TMĐT phát triển cao sẽ không tồn tại các cửa hàng bán hàng nữa mà mọi giao dịch mua bán đều thực hiện qua mạng: Việc này không đúng, thói quen mua hàng truyền thống vẫn tồn tại, mua hàng trong cửa hàng còn là thú vui của một số người và một số giao dịch bắt buộc phải có sự gặp gỡ tiếp xúc.
– Không có thẻ tín dụng, hoặc tài khoản trong ngân hàng thì không thực hiện giao dịch TMĐT được: Vẫn còn nhiều hình thức thanh toán sử dụng trong TMĐT như chuyển tiền qua bưu điện, nộp tiền vào tài khoản người bán, trao tiền mặt cho người vận chuyển…
– Khó khăn lớn nhất khi tham gia TMĐT là chi phí cho việc thành lập và duy trì trang web quá cao. Đồng thời khi có trang web thì không cần đến các phương tiện quảng bá khác:Thực tế kinh phí và công nghệ không phải là vấn đề. Vấn đề khó khăn nhất là định hướng và thiết kế website. Tiếp theo là việc duy trì nội dung của trang web phải sống và lôi cuốn được khách hàng, và cuối cùng là việc quảng bá trên các phương tiện thông tin khác để mọi người biết đến trang web của DN, giúp cho trang web thực sự là kênh tiếp thị và quảng bá có giá trị của DN.
– Chỉ áp dụng TMĐT khi có hệ thống luật pháp công nhận tính pháp lý của các giao dịch điện tử: Không nhất thiết, tuỳ mức độ cho phép và quy định của khung pháp luật, DN tham gia ở mức độ phù hợp.
– Cần phải sửa đổi toàn bộ hệ thống luật pháp để phù hợp với TMĐT: Không cần thiết, chỉ cần bổ sung hoặc điều chỉnh một số điều hay sắc luật công nhận tính pháp lý của các văn bản trong giao dịch TMĐT.
– Ở VN mặc dù điều kiện để DN tham gia TMĐT chưa cao (cơ sở hạ tầng còn kém, cơ sở pháp lý cho TMĐT còn đang trong giai đoạn xây dựng, thói quen và tâm lý trong thương mại của DN cũng như người tiêu dùng còn e ngại với TMĐT…) khiến cho việc áp dụng TMĐT đối với các DN còn rất hạn chế, nhưng tuỳ vào điều kiện và yêu cầu của từng DN , hãy tham gia TMĐT ở mức độ cao nhất có thể. Bởi việc áp dụng công nghệ thông tin nói chung và cao hơn là áp dụng TMĐT trong DN sẽ đem lại cho DN rất nhiều lợi ích. Nó có thể làm thay đổi phương thức kinh doanh của DN, tăng nhanh số lưọng khách hàng, cung cấp thông tin nhanh, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đáng kể…
Đó là những lợi thế đương nhiên do công nghệ và thời đại đem lại. Nếu không kịp thời nắm bắt và khai thác, chúng ta sẽ mất đi những lợi thế đương nhiên đó nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, phát triển DN trong nền kinh tế thị trường.
Th.s Nguyễn Khánh Quyền – (Trường Cán bộ Thương mại TƯ)