Với những thành công ấy các CEO của làng công nghệ việt đã trải qua những khó khăn gì hãy cùng xem những kinh nghiệm khởi nghiệp của họ trong bài viết này.
Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc
Lê Văn Thanh là một trong 3 thành viên đồng sáng lập Cốc cốc, công ty công nghệ hoạt động với mục tiêu xây dựng một công cụ tìm kiếm có thể hiểu và xử lý tiếng Việt tốt hơn bất cứ một công cụ tìm kiếm nào khác (lĩnh vực phải đương đầu với gã khổng lồ Google). Cuộc chiến sẽ không hề đơn giản, vì Cốc Cốc phải thực sự xuất sắc mới có thể thuyết phục được người dùng internet. Hiện nay, Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Google.
Lê Văn Thanh tâm sự: “Ý tưởng xây dựng một phần mềm đủ thông minh để hiểu và xử lý tiếng Việt được cả nhóm gồm 6 du học sinh rất tâm đắc, nhưng đây thực sự là một thách thức không dễ chinh phục. Sau 2 tuần quyết định khởi nghiệp, nhóm chỉ còn 2 người. Về nước được nửa năm, nhóm có thêm 1 thành viên nữa. 3 người chúng tôi rất đam mê và luôn tự tin rằng sẽ làm được dự án đó, dù rằng gia đình và nhiều bạn bè không tin là có thể phát triển được dự án tại Việt Nam.
Điều khó nhất với chúng tôi không phải về tài chính mà là tìm người. Có ý tưởng rồi nhưng để thực hiện được nó, chúng tôi phải tập hợp được những người rất giỏi về công nghệ về làm cùng mình. Trong khi, đa phần bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đã có nơi mời chào và trả lương cao. Bí quá, cuối cùng chúng tôi phải liên lạc qua các thầy cô để mời các bạn sinh viên về làm việc. Họ không có nhiều kinh nghiệm nhưng có tư duy tốt, đam mê và thích chinh phục các thử thách khó. Sau rất nhiều gian khổ, cuối cùng chúng tôi đã thành công, công cụ tìm kiếm Cốc cốc đang dần có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam.
Vấn đề lớn nhất của chúng tôi hiện nay là “giữ” người, vì quả thực trong môi trường mở như hiện tại, giữ người giỏi còn khó hơn nhiều việc tìm được người.
Một kinh nghiệm nữa tôi muốn chia sẻ là quan điểm về tìm vốn đầu tư. Với các cá nhân hoặc nhóm khởi nghiệp, tài chính luôn là vấn đề lớn. Với Cốc Cốc, chỉ 1 tuần sau khi có ý tưởng, nhóm đã thu hút được 30.000 USD.Sau đó, rất nhiều nhà đầu tư khác đã đặt vấn đề và bỏ vốn cho Công ty (DN đã thu hút được 14 triệu USD từ một quỹ đầu tư Đức). Song, các bạn cần lưu ý là người ta đầu tư càng sớm, % giữ lại của mình (những người sáng lập) sẽ càng nhỏ và có lẽ sau này là thiệt thòi cho mình. Bởi vậy, nếu thời gian quay ngược lại, có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa, nếu như không thể tự lập về tài chính thì mới kêu gọi vốn đầu tư”.
Đặng Công Nguyên – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eway
Thành lập năm 2009, Eway là công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực tiếp thị liên kết sản phẩm và dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động tại Việt Nam hiện nay.
Đặng Công Nguyên chia sẻ rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhỏ thường tự “chết” do mâu thuẫn nội bộ chứ không phải do cạnh tranh. Quan điểm của Eway là làm ra những sản phẩm mà mình hứng thú, làm để DN tăng trưởng và những sản phẩm có dưới 1 triệu người dùng thì sẽ không làm.
Trần Hải Linh – CEO Sendo.vn
Sendo.vn là một dự án thương mại điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển, được khởi động từ cuối năm 2011. Đến tháng 5/2014, Sendo chính thức tách ra thành công ty riêng. Sendo cung cấp cho khách hàng dịch vụ mở một cửa hàng kinh doanh online miễn phí, phù hợp với đối tượng muốn kinh doanh nhưng ít vốn.
Trần Hải Linh cho biết: “Trước khi xây dựng Sendo.vn, chúng tôi đã nghiên cứu đủ các mô hình của cả phương Tây và phương Đông. Trung Quốc có Alibaba, Mỹ có Amazon… và quyết định, đã làm thì phải làm sàn thương mại điện tử. Đây quả thực là lĩnh vực tốn kém. 2 năm đầu, suốt ngày chúng tôi bị FPT dọa “cắt” chi phí. Các anh/ em trong nhóm phải đi thuyết trình để bảo vệ, chứ không có chuyện làm thương mại điện tử trong FPT được phép tiêu tiền thoải mái. Năm ngoái, chúng tôi được tách riêng thành công ty và cuối năm có nhà đầu tư Nhật bỏ vốn vào.
Việc khởi nghiệp sẽ phải chấp nhận nhiều thử thách. Đơn cử như cá nhân tôi đang có công việc ổn định ở một tập đoàn lớn, về Sendo, lương giảm đi 70%, chưa kể đến chuyện đối phó với tình huống “mất người” như cơm bữa, khi các đối thủ như Ladaza hay Vingroup cũng gia nhập thị trường này. Khởi nghiệp là phải chấp nhận rủi ro, dám đi đến cùng, không có gan chấp nhận thì sẽ không có gan làm.
Tiềm năng của lĩnh vực này thì lớn lắm. Năm 2011, chúng tôi rất choáng ngợp khi sang Trung Quốc tham dự một sự kiện bán hàng của họ và được biết họ bán được 500 triệu USD/ngày, hiện nay, họ bán được 10 tỷ USD/ngày. Tại Trung Quốc, tỷ lệ mua sắm online chiếm 6 – 7% trên tổng doanh số mua sắm, trong khi hiện tại ở Việt Nam mới ở mức dưới 1%”, Trần Hải Linh nói.
Theo Doanhnhansaigon.vn